Trường Mẫu Giáo SOS Nha Trang ĐĂNG KÝ TUYỂN SINH

Học sinh xoay xở học tại nhà

Dù nhận định học trên truyền hình hiệu quả một phần, để chuẩn bị thi THPT quốc gia, nhiều học sinh lớp 12 vẫn theo học. Ngoài ra, các em phải xoay xở tự học, học trực tuyến.

Ngoài thời gian ngồi học tất cả các môn trên truyền hình, còn đọc sách giáo khoa, làm các dạng bài tập, luyện đề được chia sẻ trên mạng để củng cố kiến thức là phương pháp học trong những ngày nghỉ vừa qua của Tạ Doãn Khải, học sinh lớp 12A4, trường THPT Việt Đức (Hà Nội).

Khải cho biết những ngày tới sẽ bận rộn hơn vì trường bắt đầu dạy học trực tuyến tất cả các môn. Khi đó, học sinh lớp 12 sẽ chỉ học 3 môn Toán, Vật lý, Hóa học trên truyền hình và theo học tất cả các môn trực tuyến do thầy cô trường THPT Việt Đức dạy.

Hoc sinh xoay xo hoc tai nha hinh anh 1 hoc_online1.jpg

Học sinh lớp 12 chịu áp lực lớn trước kỳ thi THPT quốc gia năm nay trong bối cảnh nghỉ học kéo dài Ảnh: Tiền Phong.

Học truyền hình có hiệu quả?

Mỗi ngày, Khải dành 4-5 giờ để học bài, thời gian còn lại để xem phim, nghe nhạc.

“Dù được thông báo, học kỳ 2 sẽ được tinh giản một phần kiến thức khó và có đề minh họa nhưng em cũng không giảm sự lo lắng về kỳ thi trước mắt bởi vì học qua mạng hay truyền hình đều không hiệu quả bằng thầy cô dạy trực tiếp”, Khải nói.

Tuy nhiên, dù dịch bệnh, việc học bị ngắt quãng nhưng em cho biết vẫn giữ mục tiêu năm nay thi vào ĐH Bách khoa Hà Nội.

Còn Đoàn Hùng Mạnh, lớp 12D4, trường THPT Trần Phú (Hà Nội), chia sẻ cứ 8h sáng em duy trì thói quen ngồi vào bàn học. Buổi chiều, em học các môn trên truyền hình. Buổi tối, dành thời gian luyện đề, trắc nghiệm trực tuyến, sau đó bài nào làm sai sẽ viết ra để làm lại cho nhớ.

Tuần tới, trường sắp xếp thời khóa biểu học trực tuyến tất cả các môn như học trên lớp. Mạnh khá hào hứng với phương pháp học này bởi qua “chạy” thử cho thấy phương pháp học này có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Trong giờ dạy, thầy cô có thể gọi bất cứ học sinh nào phát biểu hoặc học sinh không hiểu bài sẽ hỏi lại được thầy cô.

Đánh giá về phương pháp học qua truyền hình, Mạnh cho rằng đây là phương pháp học một chiều trong khi học sinh có trình độ, năng lực tiếp thu khác nhau nên khó hiệu quả.

Mạnh cho biết em theo học khối D, dự định sẽ thi vào trường sư phạm. Điều em lo lắng không phải là mức độ khó dễ của đề thi. Theo Mạnh, đề thi khó hay dễ sẽ tác động chung toàn bộ học sinh và việc tuyển sinh nhưng nghỉ học kéo dài, kiến thức sẽ mai một đi phần nào.

Sẽ tinh giản kiến thức khó ở kỳ 2

Cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên môn Ngữ văn, trường THPT Tử Đà (Phú Thọ), cho rằng việc giảm tải kiến thức trong chương trình lớp 12 các môn nói chung là cần thiết khi tình hình dịch bệnh tiếp diễn như hiện nay.

Cô kiến nghị riêng môn Ngữ văn, có thể chuyển một số tác phẩm văn học trong chương trình chính khoá sang tự học có hướng dẫn. Với nội dung học để phục vụ thi THPT quốc gia năm nay, bộ có thể giới hạn vùng kiến thức thi cụ thể hơn để trong thời gian nghỉ ở nhà các em ôn tập trọng tâm hơn. Khi quay lại trường học, giáo viên sẽ dành thời gian dạy phần còn lại của chương trình.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), cho biết bộ sẽ tinh giản nội dung kiến thức học kỳ 2 ở tất cả khối lớp.

Cụ thể, những nội dung có mức độ yêu cầu mang tính nâng cao sẽ được giảm bớt để đảm bảo thời gian học tập. Ngoài ra, căn cứ chương trình, bộ cũng sẽ tinh giản theo hướng một số tiết trong sách giáo khoa gần nhau, có thể thiết kế thành bài học theo chủ đề để tiết kiệm thời gian dạy học.

Bộ cũng sẽ tính toán tinh giản theo hướng tích hợp những nội dung giao thoa giữa các môn học. Những nội dung này sẽ được tích hợp vào một môn chính.

Ông Thành cũng khẳng định việc tinh giản chương trình được thực hiện tới mức độ đảm bảo được yêu cầu để các địa phương có thể dạy học trên truyền hình, Internet và đảm bảo thực hiện khung thời gian đã được bộ điều chỉnh. Sang năm học tới, bộ sẽ có hướng dẫn thêm để các nhà trường dạy học bù đắp thêm kiến thức tinh giản năm nay.

Tin tức & sự kiện